Nguyễn Trãi Quốc Âm Từ Điển
A Dictionary of 15th Century Ancient Vietnamese
Trần Trọng Dương.

Quốc Ngữ hoặc Hán-Nôm:

Phần giải nghĩa chơi chữ
bảng xuân 榜春
dt. dịch chữ xuân bảng 春榜 (bảng nêu tên những người trúng thức vào đợt xuân thí). Âu Dương Tu trong bài có câu: “bảng xuân nắng chiếu áo xanh, khóc nay tóc trắng đã thành cố nhân” (青衫日照誇春牓,白首餘年哭故人 thanh san nhật chiếu khoa xuân bảng, bạch thủ dư niên khốc cố nhân). Huống lại bảng xuân sơ chiếm được, so tam hữu chẳng bằng mày. (Mai thi 226.3). ở đây tác giả chơi chữ, bảng xuân được tác giả dùng theo nghĩa gốc là cái bảng nêu danh của mùa xuân, ý nói hoa mai chiếm đầu bảng trong các loài cây, tuế hàn tam hữu cũng có chỗ chưa bằng.
cứng lông 勁𬖅
dt. con lợn, dịch chữ cang liệp 剛鬛 (lông cứng). Sách Khúc Lễ ghi: “Trâu gọi là nhất nguyên đại vũ, lợn gọi là cang liệp, cừu gọi là nhu mao, gà gọi là hàn âm.” (牛曰一元大武豕曰剛鬛羊曰柔毛雞曰翰音). Dài hàm nhọn mũi cứng lông, được dưỡng vì chưng có thửa dùng. (Trư 252.1). Tác giả chủ ý chơi chữ, dùng các danh từ hán dịch sang tiếng Việt theo nghĩa đen, để tả về hình dáng con lợn. x. dài hàm nhọn mũi.
cửa Nho 𬮌儒
dt. dịch chữ nho môn. Ngỏ cửa Nho chờ khách đến, trồng cây đức để con ăn. (Mạn thuật 27.5). Tác giả chơi chữ, có thể dùng theo nghĩa đen.
dài hàm nhọn mũi 𨱽含銳𪖫
đc. con lợn, dịch chữ Trường chuỷ tướng quân 長嘴將軍 (tướng quân mõm dài) trong sách Cổ Kim Chú [TVG,1956: 178]. Câu này tác giả chơi chữ. x. cứng lông. (Trư 252.1)
gác Đông 閣東
dt. <Nho> dịch chữ đông các 東閣, là một tên gọi của hoa mai. TVG cho rằng “đông các là cái lầu chiêu hiền ở đời Hán. Nhà thơ Đỗ Phủ đời Đường khi làm quan ở đông các có làm câu thơ: “Ở Đông Các ngắm hoa mai động thi hứng.” (東閣觀梅動詩興 đông các quan mai động thi hứng) [theo TVG, Schneider cho rằng: “Đây là cơ quan thuộc Hàn Lâm viện, nơi Nguyễn Trãi làm việc”. Tuy nhiên, theo Phan Huy Chú trong Lịch triều hiến chương loại chí Quan chức chí, dưới triều Lê Thái Tổ, Lê Thái Tông không có cơ quan đông các cũng như chức vụ đông các ở trong Hàn Lâm viện, mà phải đến năm 1471 mới có. Như vậy thuyết của TVG là không ổn. Theo Chỉ Nam ngọc âm môn hoa loại có ghi: “Trạng nguyên: hoa quế; đông các: hoa mai”. Có thể hiểu là: “hoa mai thực đã từng làm khách của nhà thơ, chứ đâu chỉ có kết bạn với mỗi mình với tiên Lâm Bô ” [theo PL 2012: 349]. Gác Đông ắt đã từng làm khách, há những bô tiên kết bạn chơi. (Mai thi 224.3). ở đây, rõ ràng nhà thơ đang chơi chữ, bài tả về hoa mai, nên câu nào cũng có điển về mai. Dùng chữ “gác Đông” ấy chính là trỏ đích danh hoa mai, nhưng lại muốn ẩn cái tên đó đi, mà uyển chuyển nói rằng, loài hoa này từng làm khách ở gác Đông, với hàm ý một loài hoa quý được trồng ở những nơi lầu sảnh quan trọng, tức là vừa trỏ cái cốt cách của hoa, cũng là trỏ cái sở dụng của hoa.
luỹ 壘
dt. bờ tường, bờ thành. Thục Đế để thành trêu tức, phong vương đắp luỹ khóc rân. (Điệp trận 250.6). Đây trỏ việc ong xây tổ. Vì đang nói đến “trận” của loài bướm nên dùng chữ “luỹ” để hô ứng, đây là thủ pháp chơi chữ hay thấy của Nguyễn Trãi.
lòng đan 𢚸丹
dt. <từ cổ> lòng son, lòng thành, tấm lòng trung, dịch chữ đan tâm 丹心. Nguyễn Tịch đời Tam Quốc trong vịnh hoài có câu: “Lòng son mất ơn trạch, đức nặng trật chốn ngơi.” (丹心失恩澤,重德喪所宜 đan tâm thất ân trạch, trọng đức táng sở nghi). Văn Thiên Tường đời Tống trong bài Quá linh đinh dương có câu: “Sống xưa nay ai mà chẳng chết, giữ lòng son mà viết sử xanh.” (人生自古誰無死,留取丹心照汗青 nhân sinh tự cổ thuỳ vô tử, lưu thủ đan tâm chiếu hãn thanh). Đốt lòng đan chăng bén tục, bền tiết ngọc kể chi sương. (Cúc 217.3).
dt. lòng đơn (chơi chữ nước đôi). “dại lòng đan là cái dại đan róng mốt sơ sài để che chắn nên ánh mặt trời, ánh trăng có thể xuyên thấu (nhật nguyệt thâu). Trong nghề đan lát, có những từ nghề nghiệp chỉ cách đan hoặc tả mặt đan. Róng (hoặc lóng, dóng, nong) mốt, róng hai, róng ba, róng bốn, róng năm… là chỉ cách gài nan. Còn để tả mặt đan khi sản phẩm đã hoàn thành người ta nói: lòng đan, lòng kép, lòng thia, lòng gấm. lòng đan để chỉ hoa văn mặt sản phẩm đan róng mốt tạo nên. lòng kép để chỉ hoa văn mặt sản phẩm đan róng hai róng ba tạo nên. lòng thia để chỉ hoa văn mẹt sảy, nia sảy mà trên đó, nan dọc lao đi cách quãng như ném thia lia trên mặt nước. Dụng cụ này khi sảy, người ta sảy dọc để dễ thoát những phần tử nhẹ, khi gằn để gạn, người ta người ta gằn ngang để dễ giữ lại cát sạn hoặc phần tử được chọn dễ mắc vào nan dọc. lòng gấm để chỉ hoa văn do cách đan phức tạp tạo ra những hình như dệt gấm… có thể diễn ý rõ ra cái nghĩa này như sau: cửa ngọc là ngọc môn, chỉ nơi ở của vua, mà nơi đó đã chìm khuất sau sương khói xa xôi; còn ở nơi này chỉ là ngôi nhà phên vách đơn sơ, suốt ngày, ánh mặt trời, ánh trăng có thể xuyên thấu qua. Nhưng đó là nghĩa thực, lớp nghĩa thứ nhất của câu thơ. Bởi vì lòng đan còn có nghĩa là lòng son, là đan tâm (tấm lòng trung thành bền chặt), nhật nguyệt còn chỉ minh quân, chỉ vũ trụ, đất trời cho nên câu thơ còn hàm ý biểu hiện: tấm lòng trung thành bền chặt của ta đã có mặt trời mặt trăng soi thấu. ở đây rõ ràng câu thơ Nguyễn Trãi sử dụng yếu tố chơi chữ sâu kín và thầm lắng. Chúng tôi cũng đã nói về yếu tố chơi chữ đã xuất hiện trong quốc âm thi tập khi phân tích những chữ cấn cấnthia thia trong bài trước (ngòi khan ước ở làm cấn cấn, cửa quyền biếng mặc áo thê thê). Yếu tố chơi chữ này về sau, trong thơ nôm đã thực sự bùng nổ với phong phú những cách thức, những quan niệm. Cũng chính yếu tố này làm cho việc hiểu và phiên thơ nôm nhiều khi lưỡng lự, băn khoăn dẫn đến những giải pháp rất khác nhau, đôi tranh với nhau. ở trường hợp này đọc dại lòng đan vẫn có thể hiểu lớp nghĩa giãi lòng son như thường khi mà giại, giãi, dãi trong tiếng khu bốn đến nay vẫn phát âm không phân biệt và cũng còn nhiều chứng cứ ngữ âm về sự không phân biệt này cách đây ba bốn thế kỉ, dù ở bắc hay ở trung. Khu bốn chỉ là hình thức bảo lưu khi kinh kì phát triển nhanh và không ngừng mà thôi.” [NH Vĩ 2010: 662]. “rổ lồng hai: rổ đan bắt hai tre bỏ hai tre. rổ lồng mốt: rổ đan bắt một bỏ một tre” [VX Trang: 264]. Song cửa ngọc, vân yên cách, dại lòng đan nhật nguyệt thâu. (Trần tình 40.4). long, lồng, nong.
lần từng đốt mới hay mùi 吝曾炪買咍味
đc. thời Tấn An đế có Cố Khải Chi 顧榿之 làm chức hổ đầu tướng quân, mỗi khi ăn mía, ông hay ăn dần từ ngọn xuống. Có người hỏi, ông đáp : ‘như thế càng ăn càng đi đến chỗ thú vị’ (theo Thượng hữu lục 尚友錄). Chẳng bèn dời chân tới vườn mía, bắt chước hổ đầu tướng quân vậy. (TKML q.iii, 40b). ở đây Nguyễn Trãi cũng chơi chữ khá vi tế. Chữ “thú” ở câu trên “ăn nước kìa ai được thú” hô ứng với chữ “mùi” (vị) ở dưới để nhắc đến hai chữ “thú vị” trong câu nói của Cố Khải Chi. Ăn nước kìa ai được thú, lần từng đốt mới hay mùi. (Giá 238.4).
rửa 瀉 / 𣳮
AHV: tả. Kiểu tái lập từ ngữ liệu của Chu Lễ: *sah [Schuessler 2007: 537]. Nguyễn tài cẩn gợi ý đến khả năng song tiết hoá ở Việt-Chứt [1997: 118]. Cứ liệu ngữ âm hiện còn cho phép xác định đó có khả năng là tổ hợp phụ âm đầu: rửa ráy được ghi bằng 𪡉󱞮 (cá 个+ lã 呂,cá 个+ tái 塞), kiểu tái lập có thể là *ksả *ksái, nguyên văn: rửa ráy rén hót nhơ <洗濯頻除穢 (Phật Thuyết 15a5). Cứ liệu ngữ nghĩa: rửa được ghi bằng chữ Nôm 𤀗 ở thế kỷ XVI-XVII được dùng để đối dịch chữ tẩy 洗: lời nhơ nói xấu, phiền ngươi rửa đấy ← 蕪辭穢語煩公洗之 (TKML i 13b12). Như thế, chữ rửa ráy 瀉洗 là một từ Hán Việt Việt tạo. Quá trình biến đổi ngữ âm từ Hán sang Việt như sau: *sah *sai>*ksả *ksái> rửa ráy. *ksả *ksái là âm HHVH ở tiếng Việt tiền cổ, rửa ráy là âm HHVH ở giai đoạn tiếng Việt cổ (xiii- xvi), đến nay vẫn dùng. Tương ứng: đi tả/ đi rửa. Từ Hán Việt như tả lị, trong đó thổ tả 吐瀉 (trên nôn dưới rửa) còn cho lối nói đi rửa ruột, sau được dùng để rủa: đồ thổ tả. rửa xuất hiện trong một số từ kép và một số kết hợp như: rửa ráy, giặt rửa, gột rửa, rửa thù, rửa hận, rửa nhục, rửa tội, rửa chân tay, rửa ảnh, rửa tiền. sớm rửa cưa trưa mài đục. Thng Phiên khác: tả: chảy rốc xuống (TVG, ĐDA, BVN), dã: giải, làm cho bớt sức theo ghi nhận của Paulus của 1895 và Génibrel 1898 (Schneider, MQL, PL).
đgt. (mưa, thác) tưới xuống, đổ xuống. Lục Du trong bài Vũ dạ có câu: “Mưa rào như suối rửa ngòi sâu, nhà không nằm trước ngọn đèn sầu.” (急雨如河瀉瓦溝,空堂卧對一燈幽 cấp vũ như hà tả ngoã câu, không đường ngoại đối nhất đăng u). Tào khê rửa nghìn tầm suối, sạch chẳng còn một chút phàm. (Thuật hứng 64.7), chữ rửa ở câu này dùng với hai nghĩa, ở câu trên là tả cảnh thác đổ, nhưng khi ý thơ vắt dòng xuống câu dưới thì rửa đã mang nghĩa gột rửa. Đây là một ví dụ nữa cho việc chơi chữ nước đôi có hệ thống và có chủ ý trong thơ Nguyễn Trãi.
đgt. gột cho hết (bẩn, buồn,…), rửa cho sạch. thuỷ hử toàn truyện có câu: “Ngâm thơ như muốn rửa sầu ngàn cân.” (吟詩欲瀉百重愁 ngâm thi dục tả bách trọng sầu). Rửa lòng thanh, vị núc nác, vun đất ải, rãnh mùng tơi. (Ngôn chí 10.3)‖ Say mùi đạo chè ba chén, rửa lòng phiền thơ bốn câu. (Thuật hứng 58.6)‖ (Tự thuật 114.6). Hiện còn nói: mưa rửa chùa, mưa rửa núi.
sống 生
◎ Nôm: 𤯨 / 𤯩 / 𫪹 {cổ 古 + lộng 弄}, âm HTC: *srjeng [Baxter 1992: 786], *sriŋ [Schuessler 1987: 536] hoặc *srêŋ [2007: 459- 460]. Thế kỷ XII, Phật Thuyết ghi ngữ tố này bằng tự dạng nôm 古弄 tại vị trí bằng áng nạ còn *krống cho được sống lâu (tr.44a5). So sánh với các đối ứng không (mĩ sơn, ngọc lặc, như xuân, Hạ Sữu, thải thịnh), klông ( Úy Lô), ksông (Thạch Bi) trong tiếng Mường, các đối ứng tlung trong tiếng Sách, xeng trong tiếng thái, sraungthraung trong tiếng Chăm, Gaston tái lập là *krong [1967: 42, 147, 150-151]. Kiểu tái lập: *kroŋ⁵ [TT Dương 2012c]. Ss mamộng (Katu) [NH Hoành 1998: 299], slổng, nhằng (Tày) [NV Ma: 415]. Như vậy, sống là từ gốc Hán du nhập vào vốn từ vựng của Việt, Mường, thái, chăm, sách, tày, nùng. Hiện chỉ thấy mamộng của Katu có khả năng là của Nam Á, và nhằng là gốc tày. Riêng nhằng còn bảo lưu trong từ sống nhăn (Việt), sau chơi chữ đồng âm thành sống nhăn răng. sống là âm HHV [NN San 2003b: 180].
đgt. trong sinh sống. Chàu mấy kiếp, tham lam bấy, sống bao lâu, đáo để màng. (Thuật hứng 55.4)‖ (Tự thán 98.8)‖ (Bảo kính 175.4).
đinh 丁
dt. <Nho> chữ đinh, đây là chữ đơn giản, trỏ việc biết chữ học hành nói chung. Sách Cựu Đường Thư phần Trương hoằng tĩnh truyện có câu: “nay thiên hạ vô sự, các con có kéo được sức cung nặng hai thạch thì cũng chẳng bằng biết một chữ “đinh”. (今天下無事,汝輩挽得两石力弓,不如識一丁字). (Ngôn chí 7.8)‖ Hẹn này nỡ phụ ba đường cúc, tiếc ấy vì hay một chữ “đinh”. (Tự thán 107.6)‖ (Bảo kính 166.4). Người Việt có câu “chẳng biết cái đinh gỉ gì cả”, là một câu chơi chữ đồng âm: biết chữ đinh > biết cái đinh gỉ, giống như các lối nói nghèo rớt> nghèo rớt mồng tơi, kêu ỏm > kêu ỏm củ tỏi, chẳng biết cóc gì > chẳng biết cái cóc khô gì (biết = cóc, chơi chữ đồng âm thành con cóc)…
đàn tao 壇騷
◎ Nôm: 𡊨騷
dt. dịch chữ tao đàn, văn đàn, thi đàn. Miệng khiến tửu binh pha luỹ khúc, Mình làm thi tướng đánh đàn tao (Tự thán 89.4). Đánh đàn tao: chữ “đánh” ghi bằng 頂 (AHV: đảnh, đỉnh). Schneider, VVK và PL phiên “đứng”. Nay theo cách phiên của TVG, ĐDA, BVN, MQL. Bởi đây là một lối chơi chữ thường thấy của Nguyễn Trãi (xem thêm bài trư). Bài này đang nói về “trường chính trị” cũng như là “chiến trường”, cho nên mới nói đến “tài trí”, “quyền”, “tửu binh”, “luỹ khúc”, “thi tướng”, “đàn tao”, “tượng- mã”, “anh hùng”. Câu trên đã là “pha luỹ khúc” (xông pha chiến luỹ) thì dưới cũng nên là “đánh đàn tao”, như thế độ tập trung ngôn từ ở đây sẽ là yếu tố quyết định cho phương án phiên âm. x. thi tướng.
đúc 鑄
◎ Nôm: 篤 Đọc âm PHV. AHV: chúc. Đúc: đọc theo âm THV: *tjugh (Lý Phương Quế).
đgt. hun đúc, đào tạo. Thương nhẫn Biện Hoà ngồi ấp ngọc, đúc nên Nhan Tử tiếc chi vàng. (Tự thuật 117.4). đc.: Dương Hùng trong sách Dương Tử Pháp Ngôn có câu: “có người hỏi: ‘đời hay nói đúc vàng, vàng có thể đúc ư?’ trả lời: ‘ta chỉ nghe nói rằng, khi gặp bậc quân tử, chỉ có hỏi về việc đúc người thôi, chứ không hỏi về việc đúc vàng’. Người kia lại hỏi: ‘người mà cũng có thể đúc ư?’ trả lời: ‘thì đức Khổng Tử đúc được Nhan Uyên đó thôi’. Người ấy mới cung kính mà rằng: ‘thực là ý vị! hỏi về việc đúc vàng, mà lại hiểu thêm về việc đúc người’” (或問:“世言鑄金,金可鑄與?”曰:“吾聞覿君子者,問鑄人,不問鑄金。”或曰:“人可鑄與?”曰:“孔子鑄顏淵矣。”或人踧爾曰: “旨哉!問鑄金,得鑄人”). ở câu thơ này, Nguyễn Trãi chơi chữ. Chữ dùng của Dương Hùng trỏ nghĩa bóng. Chữ dùng của Nguyễn Trãi vừa mang nghĩa bóng như vậy là vừa dụng nghĩa Từ Nguyên cụ thể của từ đúc. Ý muốn nói: dẫu đúc được một người hiền như Nhan Uyên thì có đúc bằng vàng đi chăng nữa thì cũng không tiếc. (theo ĐDA).
đất Bụt 坦孛
dt. từ chữ Phật độ 佛土, ở đây có thể chơi chữ nước đôi, vừa trỏ mảnh đất cụ thể nào đó của chùa (như chùa Côn Sơn chẳng hạn) vừa trỏ đất cực lạc của nhà Phật. Ao quan thả gưởi hai bè muống, đất Bụt ương nhờ một rãnh mùng. (Thuật hứng 68.6).
đắng 䔲
◎ Ss đối ứng tăŋ, dăŋ (30 thổ ngữ Mường) [NV Tài 2005: 209].
tt. điếc tai. Chong đèn chực tuổi cay con mắt, đốt trúc khua na đắng lỗ tai. (Trừ tịch 194.6), tác giả chơi chữ, dùng đắng để đối với cay ở trên, từ đắng (trỏ vị giác) mang nghĩa của cảm giác và tâm trạng.
đan 單
◎ Nôm: 丹
tt. đơn, chỉ có một. Cũng có thể tác giả chơi chữ đồng âm, vừa hàm ý trỏ “son, đỏ”. Song cửa ngọc, vân yên cách, Dại lòng đan nhật nguyệt thâu. (Trần tình 40.4)‖ x. lòng đan.